Giải Chuyên đề Lịch sử 10 Chân trời sáng tạo Phần 2: Một số lĩnh vực của lịch sử Việt Nam
Danh sách những thực phẩm không được phép mang qua Úc
Bạn sắp đến Úc du học, du lịch hoặc làm việc? Bạn có biết rằng [...]
VTV.vn - Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, tại TP.HCM đã diễn ra chương trình giao lưu văn nghệ Hát về quê hương đất nước lần thứ 5.
Qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, nhạc cụ tre nứa vẫn ngân vang, nói lên những ước mơ, khát vọng của dân tộc Việt Nam. Tiếng sáo, tiếng đàn bầu, tiếng đàn t’rưng... là cầu nối giữa con người với thiên nhiên, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một cầu nối văn hóa đặc biệt giữa đất nước Việt Nam với bạn bè năm châu. Nhạc cụ tre nứa là loại hình âm nhạc vô cùng độc đáo trong kho tàng nhạc cụ dân tộc Việt, góp phần làm tăng thêm những giá trị tiềm ẩn của nền âm nhạc nước nhà, cũng là sản phẩm đặc thù thể hiện văn hóa của đất nước, con người Việt Nam. Tuy nhiên, trong cuộc trò chuyện với nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, tôi thấy anh có nhiều trăn trở về nhạc cụ truyền thống của nước nhà, đó là việc ngày càng có ít nghệ nhân biết làm ra nhạc cụ từ tre nứa, rồi việc quảng bá âm nhạc dân tộc cũng gặp nhiều khó khăn... Những thách thức trên đã thôi thúc nhạc trưởng Đồng Quang Vinh thực hiện sứ mệnh quảng bá âm nhạc dân tộc Việt Nam nói chung và âm nhạc tre nứa nói riêng.
Thời điểm này, nếu không vì dịch Covid-19, hẳn Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã kín lịch diễn. Nhớ về những buổi biểu diễn của nhà hát chật kín khán giả, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh trải lòng: “Sự dõi theo, cổ vũ, động viên của khán giả là lẽ sống của người nghệ sĩ. Năm xưa, khi tôi mới 12 tuổi, nhờ những buổi biểu diễn cùng ban nhạc Tre Việt (ban nhạc của gia đình Đồng Quang Vinh-PV) tại Nhật Bản đã hun đúc cho tôi thêm tình yêu với nhạc cụ truyền thống dân tộc”.
Chính lần biểu diễn vào năm 1996 ở đất nước mặt trời mọc, sau này đã vạch ra cho Đồng Quang Vinh và những cộng sự một lối đi đầy thử thách: Kiên quyết phát huy, thúc đẩy âm nhạc dân tộc dựa trên các nhạc cụ bằng tre nứa. Câu chuyện ở đây không chỉ dừng ở mức độ bảo tồn, vì bảo tồn thường là “tĩnh”, mà với âm nhạc phải là “động”. Tại sao có những buổi biểu diễn, vở diễn vắng bóng khán giả? Trăn trở với câu hỏi trên, lãnh đạo Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cùng đội ngũ lãnh đạo phòng, ban, các nghệ sĩ, trong đó có Giám đốc âm nhạc Đồng Quang Vinh đã mày mò sáng tạo, góp công góp sức làm ra những vở diễn mang hơi thở cuộc sống, đưa khán giả đến với những giá trị nghệ thuật đích thực.
Ngồi trò chuyện với tôi, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh hồi tưởng về những chuyến đi biểu diễn ở Nhật Bản, Singapore, châu Âu... nơi có đông kiều bào ta sinh sống. Những đêm nhạc là những buổi nước mắt tuôn rơi. Nhiều người kìm khóc khi thưởng thức những tác phẩm: “Cánh chim Pong kle”, “Cảm xúc Tây Nguyên”, “Mẹ yêu con”, “Mùa hái quả”, “Gà gáy sáng”, “Tây Nguyên vẫy gọi”, “Lý hoài nam”... gợi nhớ về cuộc sống thanh bình nơi làng quê, nhớ quá lũy tre làng, thương quá những bữa cơm mẹ nấu với canh rau muống, cà dầm tương.
Âm nhạc giúp các dân tộc xích lại gần nhau
Không chỉ kiều bào ta mà khán giả rất nhiều quốc gia cũng vô cùng ngưỡng mộ tiếng sáo trúc của nghệ sĩ Đồng Quang Vinh qua những bản nhạc: “Hoa anh đào”, “Ánh trăng trên ngôi thành cổ”, “Ru con”... Họ nể phục tài năng của người nghệ sĩ cùng cây sáo trúc nhỏ bé đã truyền tải được biết bao cảm xúc, thông điệp về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, muốn làm bạn với các quốc gia trên thế giới.
Sinh ra trong một gia đình “âm nhạc tre nứa”, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh khát khao quảng bá âm nhạc dân tộc Việt Nam nói chung và âm nhạc tre nứa nói riêng đến với bạn bè thế giới. Mê nhạc cụ dân tộc từ nhỏ, lại có những thành tích xuất sắc trong học tập, năm 2004, Đồng Quang Vinh được cử đi học chỉ huy dàn nhạc dân tộc tại Học viện Âm nhạc Thượng Hải (Trung Quốc). Tốt nghiệp đại học năm 2010, anh được nhận học bổng toàn phần của Chính phủ Trung Quốc để theo học thạc sĩ chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc giao hưởng. Trở về nước, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh đau đáu nỗi niềm: “Khán giả trong nước chưa quan tâm đến nhạc giao hưởng thính phòng. Sứ mạng của người nghệ sĩ là phải quảng bá nó. Do đó, tôi cùng các cộng sự tìm mọi cơ hội để có thể truyền tải cho mọi người hiểu thêm về dòng âm nhạc bác học này”.
Từ đây, dàn nhạc tre nứa Sức Sống Mới ra đời (kế thừa ban nhạc Tre Việt), quy tụ những bạn trẻ đang học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Dàn nhạc dưới sự chỉ huy của Đồng Quang Vinh chuyên chơi những nhạc cụ dân tộc như: Sáo trúc, đàn bầu, đàn thập lục, đàn tam thập lục, đàn nguyệt, đàn t’rưng, ching’ram, k’lông pút, k'ni, bộ gõ dân tộc... Đặc biệt, bố của nghệ sĩ Đồng Quang Vinh (NSƯT Đồng Văn Minh-PV) chính là người chế tạo nhạc cụ cho dàn nhạc. Với dàn nhạc do mình lập nên, Đồng Quang Vinh thỏa sức kết hợp giữa cổ điển và hiện đại, giữa Đông-Tây, giữa hòa thanh phương Tây với những nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Biểu diễn nhạc giao hưởng bằng nhạc cụ tre nứa, Đồng Quang Vinh phải tự viết nhạc, phối khí, rồi cùng các anh em trong dàn nhạc Sức Sống Mới luyện tập ngày đêm để những buổi biểu diễn của dàn nhạc ở Trung tâm Văn hóa Pháp, Viện Goethe (Đức)... luôn gây được tiếng vang.
Những lời động viên của người hâm mộ, bạn bè quốc tế, lãnh đạo Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam càng khiến Đồng Quang Vinh trăn trở. Vì nói về sự phát triển của nhạc dân tộc, điều quan trọng nhất là phải có tác phẩm mới. Việt Nam đang gặp khó khăn trong lĩnh vực này. Cơ bản chúng ta đang bảo tồn những gì ông cha để lại. Cái khó là hầu như chúng ta có rất ít tác phẩm mới viết cho nhạc cụ dân tộc. Các ban nhạc, dàn nhạc, nhà hát chủ yếu biểu diễn các tác phẩm cũ, trong khi Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đầu tư rất tốt cho âm nhạc truyền thống. Chính vì lẽ đó, nghệ sĩ Đồng Quang Vinh còn bỏ công sức và thời gian vừa là giám đốc, vừa là chỉ huy chính của dàn hợp xướng Hanoi Voices để có thêm "đất diễn".
Dàn hợp xướng này thường xuyên quy tụ gần 40 thành viên là người nước ngoài, sinh sống và làm việc tại Thủ đô. Mọi người đến với nhau vì tình yêu âm nhạc hiện đại và truyền thống. Đúng là âm nhạc đã giúp bạn bè năm châu xích lại gần nhau hơn. Nói như ông Wilfried Eckstein, Giám đốc Viện Goethe tại Hà Nội thì: “Xu thế hiện nay là các nước tăng cường giao lưu văn hóa. Những buổi biểu diễn của dàn nhạc Sức Sống Mới, dàn hợp xướng Hanoi Voices là cầu nối tuyệt vời giữa đất nước chúng tôi với đất nước Việt Nam, tạo nên các cuộc đối thoại, giao lưu văn hóa vô cùng hiệu quả. Điều quan trọng với Viện Goethe không chỉ là biểu diễn âm nhạc phương Tây mà còn là tương tác với âm nhạc truyền thống Việt Nam, vì một thế giới hòa bình, văn minh”.